Rủi ro cao khi mua nhà tái định cư
Rủi ro cao khi mua nhà tái định cư
Dù biết mua nhà tái định cư có nhiều rủi ro song nhiều người vẫn liều vì ham rẻ. Ở TP HCM đã có không ít vụ tranh chấp “hậu mua bán” nhà tái định cư, thường là người mua chịu thiệt do “nắm đằng lưỡi”.
Anh Trần Nho Tuân mua lại căn hộ 130 m2 tái định cư bằng giấy tờ tay tại chung cư An Cư, phường An Phú, quận 2 vào tháng 11/2007 với giá 19,5 triệu đồng một m2, rẻ hơn nhà thương mại khoảng 3 triệu đồng một m2.
1/ Lo ngay ngáy bị “lật kèo”
Để ở được, anh Tuân phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng để đại tu nội thất. Tuy nhiên, hiện anh chỉ có trong tay mỗi tờ giấy bán nhà viết tay, mà chưa biết mặt mũi chủ quyền nhà như thế nào.
Tương tự, chị Phương Linh năm 2008 theo chồng chuyển công tác từ Hà Nội vào TP HCM và mua một căn hộ cho những người thuộc diện tái định cư của dự án Thủ Thiêm, rộng 129 m2, giá gần 3 tỷ đồng. Chưa ưng ý với thiết kế nội thất cũ, chị Linh đã thay mới từ gạch nền đến sơn phết tường, nhà tắm, nhà vệ sinh… tốn kém gần 500 triệu đồng.
Bỏ ra một "đống tiền" như vậy, song những khách hàng như anh Tuân, chị Phương Linh vẫn lo sốt vó vì chưa biết đến khi nào mới được cấp giấy chủ quyền nhà. "Đến nay giấy chủ quyền nhà đã bị trễ hơn một năm. Tuy nhiên, khi đến Công ty kinh doanh và quản lý nhà quận 2 (đơn vị quản lý căn hộ tái định cư trên địa bàn quận 2) hỏi, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là hãy chờ", chị Linh lo lắng.
Ngoài ra, theo quy định, thành phố chỉ cấp giấy chủ quyền nhà cho hộ tái định cư. Chỉ khi nào giấy tờ này được cấp rồi, hai bên mua - bán mới ra công chứng làm thủ tục sang tên. Điều này khiến nhiều người mua nhà, đất tái định không khỏi lo ngại nguy cơ bị “lật kèo”.
2/ Nhiều tranh chấp
Một cán bộ của Phòng quản lý nhà, Sở Xây dựng TPHCM, ước tính, hiện có cả trăm vụ tranh chấp liên quan đến việc bán suất tái định cư. Đặc biệt, khi TPHCM có chính sách đền bù được bổ sung, trong đó áp dụng cả với những hộ nhận suất tái định cư, những người bán suất tái định cư quay lại đòi khoản đền bù bổ sung, trong khi bên mua cũng không muốn “buông” khoản tiền béo bở này.
Chị Hạnh Thủy, một người mua lại suất tái định cư ở chung cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, cho biết đang điên đầu khi bên bán suất tái định cư một mực đòi phải đưa trước 50 triệu đồng mới chịu ký giấy sang tên, trong khi trong hợp đồng (giấy tay) quy định khi nào sang tên xong bên mua mới đưa nốt số tiền còn lại là 50 triệu đồng. “Biết bị ép, nhưng phải cắn răng đưa tiền để mong sớm có giấy tờ nhà cho yên tâm”, chị Thủy trần tình.
>> Xem thêm: Bất động sản
Anh Nguyễn Như Mạnh, nhà ở quận Tân Bình, còn phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi mua một căn nhà tái định cư 50 m2 ở quận 10, TPHCM. Ngoài việc phải đóng hơn 600 triệu đồng, anh phải trả góp khoản nợ ngân hàng hơn 300 triệu đồng, trong vòng 15 năm, chưa kể khoản chênh lệch 100 triệu đồng cho chủ nhà. “Trong khi nhà vẫn đứng tên chủ cũ mà mình phải bỏ ra một đống tiền và ôm một đống nợ”, anh Mạnh ngao ngán.
Theo giám đốc một công ty bất động sản tại TPHCM, thành phố đã cấm bán suất tái định cư, nếu muốn bán phải bán lại cho thành phố. Ngoài ra, tính pháp lý của giấy sang nhượng, giấy ủy quyền viết tay không được pháp luật công nhận. Do đó mọi rủi ro đều đổ lên người mua. “Có nhiều trường hợp do căn hộ đã được sang tay nhiều lần, người đứng tên nhà tái định cư cũng đã đi nơi khác để sinh sống, nên không thể gặp được để sang tên giấy tờ nhà”, vị này cho biết.
Những lưu ý khi mua chung cư
Thời đại “tấc đất tấc vàng” ngày nay, căn hộ chung cư đang là lựa chọn của nhiều người dân ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiên nhiều tranh cãi, mâu thuẫn giữa các chủ hộ và ban quản lý khi công trình đã được bàn giao.
Để tránh những rắc rối sau này, trước khi mua người dân nên lưu ý một số vấn đề sau:
Nhà chung cư khi bàn giao cho người sử dụng phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với những dự án lớn. Do vậy, nếu bàn giao nhà chung cư mà không có điện, nước là không đúng, người mua có thể yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện.
Đối với khu vực điện lưới quốc gia chưa đến được công trình, chủ đầu tư phải tự thực hiện bằng nguồn điện thông qua máy phát. Ngoài ra phải có trách nhiệm khai thác và xử lý nguồn nước ngầm, đảm bảo cho các hộ dân sử dụng sinh hoạt lâu dài.
Trường hợp các chung cư xây dựng đã đưa vào sử dụng, dù trước hay sau thời hạn Luật Nhà ở có hiệu lực, chủ đầu tư và các chủ hộ phải họp bầu ra ban quản trị nhà chung cư. Đây là bộ phận có vai trò xử lý các việc xảy ra tiếp theo trong quá trình sử dụng chung cư.
Khi mua căn hộ chung cư, phần nào thuộc sở hữu chung, bao gồm giá giữ xe, các chi phí bảo trì, dịch vụ… trong những năm đầu cần phải được thống nhất và ghi thẳng trong hợp đồng. Đó chính là cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các hộ dân ở nhà chung cư khi xảy ra các mâu thuẫn về sau.
Việc này thường được các hộ dân xem là chuyện nhỏ, nhưng ít ai biết được đây lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa ban quản lý và các chủ hộ sau một thời gian sử dụng.
Nếu chung cư là một cao ốc đa năng, gồm có tầng thương mại, dịch vụ, văn phòng, còn các tầng trên là căn hộ chung cư, thì tầng hầm sẽ được sử dụng chung. Người dân ở chung cư có quyền sử dụng tầng hầm và chỉ mất phí bảo vệ.
>> Xem thêm: Nhà đất Hà Nội
Các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình phụ trợ của dự án, thường được nghiệm thu đưa vào sử dụng cùng lúc với chung cư. Chủ đầu tư không có quyền bàn giao căn hộ chung cư khi hạ tầng chưa xong.
Về việc bảo trì chung cư, đối với phần sở hữu riêng thì chủ nhà phải tự bỏ kinh phí để thực hiện. Còn đối với các phần sở hữu chung thì các đồng sở hữu trong chung cư phải cùng đóng góp kinh phí. Tuy nhiên, nếu chung cư được xây dựng trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực (ngày 1-7-2006) thì thời gian bảo hành tối thiểu là 2 năm, còn nếu xây dựng sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực thì thời gian bảo hành tối thiểu là 5 năm.
Các chung cư đã hết bảo hành mà muốn bảo trì, ban quản trị phải vận động để chủ các căn hộ bàn bạc, tính toán phương án sửa lại theo quy định hiện hành. Ban quản trị nhà chung cư có quyền đòi hỏi chủ đầu tư phải cung cấp thông tin về các công việc đang tiến hành, thời gian hoàn thành.
Đối với những chung cư bị xuống cấp phức tạp trầm trọng, mặc dù đã qua thời gian bảo hành, các hộ dân vẫn có quyền thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành để khảo sát, đánh giá xác định nguyên nhân. Dựa trên các kết quả kiểm định đó, các chủ hộ được quyền yêu cầu bộ phận thi công thiết kế trước đây phải bỏ kinh phí khắc phục lại. .
Những chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ với khách hàng, ngoài việc bị phạt nặng, có thể bị xem xét không giao tiếp các dự án bất động sản khác trong tương lai.
Ngoài ra, trước khi bàn giao, người mua nên yêu cầu bên bán cung cấp những thông tin chi tiết về pháp lý. Đồng thời tự tìm hiểu thực tế môi trường sống chung cư qua các cơ quan chức năng địa phương, đơn vị tư vấn và các phương tiện truyền thông báo chí.
Rủi ro cao khi mua nhà tái định cư, 348, ToChucSuKienVip.com, Mãnh Nhi, tổ chức sự kiện, 16/02/2016 13:57:58
Rủi ro cao khi mua nhà tái định cư - Hotline in ấn gặp CSKH 0901 189 365 - 0901 188 365 - 0906 819 365 Trực tiếp đặt InKyThuatSo tại: 365 Lê Quang Định, Phường 5, Quận Bình Thạnh, TPHCM | Gửi email đặt nhận báo giá ngay in@inkts.com - innhanh@inkythuatso.com | Mua bán nhanh
Các bài viết liên quan đến Rủi ro cao khi mua nhà tái định cư , Mua bán nhanh
- 06/02/2018 Ấn phẩm quảng cáo là gì? 1769
- 27/02/2018 Kích thước nhãn chai nước suối đám cưới 5460
- 17/11/2016 Khách sạn Đà Lạt 2 sao những điểm chọn lý tưởng cho dân du lịch 1440
- 09/11/2015 Đầm công sở mùa thu 273
- 30/06/2015 [Kinh nghiệm mua hàng] Sàn gỗ Teak tự nhiên giá rẻ 516
- 11/06/2015 Cty Tnhh Nghệ Cung với VIP MuaBanNhanh.com 317
- 09/06/2015 Thiết Bị Y Tế Thiên Việt với VIP MuaBanNhanh.com 357