Quản lý số lượng người tham gia event
Vụ chen lấn dẫm đạp nhau gây chết người ở Campuchia vừa qua càng dấy lên câu hỏi nhức nhối về vấn đề dự phòng rủi ro chen lấn dẫm đạp trong event .
Riêng trong 2010, tính từ đầu năm đến nay đã có 4 sự kiện dẫm đạp dẫn đến chết người, như lễ hội tại ngôi đền Ram Janki, tỉnh Kunda, Ấn Độ làm ít nhất 71 người chết và hơn 200 người khác; trận đấu giao hữu giữa hai đội bóng Nigeria và Bắc Triều Tiên làm 14 người bị thương tại sân vận động Makulong; hay trong Liên hoan âm nhạc làm 21 người chết và hơn 500 người bị thương tại thành phố Duisburg - Đức; và gần đây nhất, có ít nhất 350 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương tại lễ hội nước ở Phnom Penh, Campuchia.
Kế hoạch B cho event - ngăn chặn rủi ro từ trong trứng nước
Lý do chung của các thảm họa này là chen lấn, rồi dẫm đạp nhau vì một tin đồn về mối nguy hiểm nào đó ngay trong quá trình diễn ra sự kiện làm cho họ trở nên mất bình tĩnh và bấn loạn, hoặc do một hoạt động nào đó làm cho họ phấn khích, xô đẩy chen lấn để giành giật.
Phải làm sao để phòng ngừa rủi ro này khi mà ngày càng có nhiều lễ hội, sự kiện được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới và cả ở Việt Nam, cho những mục đích khác nhau như âm nhạc, thể thao, chính trị hoặc tôn giáo… thu hút sự quan tâm của hàng triệu người? Những người tổ chức trong các sự kiện nên làm gì để có thể kiểm soát được tình trạng chen lấn xô đẩy trong những sự kiện có đông người tham gia?
Các sự kiện trên hầu hết đều cho thấy Ban tổ chức đã không chuẩn bị tốt phương án dự phòng cho những tình huống như thế này, cho nên khi sự cố xảy ra, họ cũng rơi vào trạng thái rối ren như dòng người đang hoảng loạn, dẫn đến các biện pháp xử lý tình huống cũng không linh động và nhanh chóng.
Là một Eventer chuyên nghiệp, chúng ta cần coi trọng việc phòng ngừa các rủi ro như chen lấn, cháy nổ, sập nhà, sập sân khấu, gãy cầu... hơn ai hết. Không cần những vụ rủi ro "hàng khủng" như thế này, chỉ cần 1 thương vong nhỏ trong event cũng khiến bao nhiêu công sức, tiền bạc của chúng ta tan thành mây khói, tệ hơn nữa là giảm uy tín của người tổ chức, của thương hiệu. Cho dù bạn có tổ chức hàng trăm event thành công, thì chỉ cần một event xảy ra thương vong về con người cũng tạo nên một vết tối trong sự nghiệp rồi.
Bởi vậy, khi lập kế hoạch cho event, chúng ta nên tính đến cả những tình huống xấu nhất, cho dù xác suất xảy ra chỉ một phần ngàn, nhưng đảm bảo được rằng khi nó xảy ra, chúng ta sẽ có giải pháp xoay sở thông minh nhất để vượt qua được.
Vì vậy, khi lập kế hoạch cho một lễ hội, một sự kiện tập trung nhiều người, hãy suy nghĩ đến những phương án như chen lấn, khủng bố, móc túi cướp giật, cháy nổ, sập dàn giáo...
Những Emergency plan thường chỉ dự phòng những trường hợp mưa, gió, bão lũ cháy nổ chứ chưa có dự phòng trong những trường hợp chen lấn xô đẩy dẫn đến chết người như những vụ việc nói trên.
Hãy đưa vào kế hoạch một chiếc xe cứu hỏa và một chiếc xe cứu thương túc trực ở hiện trường. Cẩn thận không bao giờ thừa, vì người tham dự trông thấy điều này sẽ được trấn an tinh thần cao độ, nếu có chuyện gì xảy ra họ sẽ đỡ mất bình tĩnh hơn.
Nếu đám đông rất lớn, và tổ chức ở những nơi mang tính đặc thù cao, có thể xảy ra rủi ro như du thuyền, trên núi, ở khu vực bị cô lập, hãy đảm bảo bạn có các phương tiện để sơ tán đám đông (xe, thuyền, trực thăng…).
Đối với các chương trình có quy mô lớn, nên tổ chức thêm nhiều hoạt động vệ tinh xung quanh 1 hoạt động chính để dàn trải đám đông, tránh quá tải gây xô đẩy, chen lấn.
Khi khảo sát địa điểm:
Không nên tổ chức sự kiện đông người tại địa điểm chỉ có một lối ra vào duy nhất hoặc lối thoát hiểm quá khuất như ở chương trình Đại nhạc hội ở Đức kể trên.
Hãy chú ý đưa các lối thoát hiểm, những chỗ có bình cứu hỏa... vào sơ đồ mặt bằng.
Cần bố trí hệ thống âm thanh để thông báo cho những người tham gia cũng như điều phối đám đông hỗn loạn.
Hãy đảm bảo bạn biết bệnh viện, trạm cứu hỏa và đồn công an gần nhất, và có sẵn trong tay số điện thoại của họ để có thể điều động cấp kỳ.
Xem xét, bố trí các tiện ích trong event thuận tiện, ví dụ như rải đều các bàn tiệc thay vì tập trung 1 hướng để mọi người chen chúc tới lấy, vừa lộn xộn không chuyên nghiệp mà lúc xảy ra cảnh dẫm đạp thì sẽ sụp đổ công lao gầy dựng bộ mặt công ty.
Khi sự kiện diễn ra:
Cần có hướng dẫn ngay từ đầu cộng với các biển báo về các lối thoát hiểm, phương tiện thoát hiểm trong trường hợp bất trắc.
Nếu lối ra vào quá hẹp, hãy bố trí cho dòng người xếp hàng di chuyển trong trật tự. Ở trường hợp dẫm đạp tại Campuchia, thực ra địa điểm diễn ra sự kiện có 2 cây cầu mỗi cây sử dụng cho một chiều đi và chiều quay lại và chúng được đặt cách nhau không xa. Tuy nhiên vấn đề gặp phải là người ta đã đi lộn xộn không đúng chiều và Ban tổ chức cũng không có biện pháp quản lý việc này. Xem xét các sự kiện dẫm đạp chết người lớn trong lịch sử, chúng ta thấy có khá nhiều vụ việc diễn ra trên một cây cầu, như vậy chính lối đi hẹp sẽ tăng nguy cơ tạo nên những thảm kịch.
Không nên ngăn dòng người bằng cửa hay barrier, sau đó mở cho họ ùa vào/ùa ra, chắc chắn sẽ diễn ra cảnh lộn xộn.
Đặt thêm các màn hình LCD tường thuật trực tiếp sự kiện để những người không vào được có thể theo dõi từ bên ngoài, hạn chế việc tìm mọi cách để chen vào bên trong coi chương trình.
Hạn chế các hoạt động kích thích mọi người chen lấn xô đẩy để lấy, như thả quà tặng. Đã có một event diễn ra cảnh dẫm đạp dẫn đến thương vong chỉ vì khách tham dự tranh nhau những trái... bóng bay được thả ra.
Làm gì ngay khi sự cố xảy ra?
Có thể thấy, trong các sự kiện nói trên, người chết vì nguyên nhân sự cố (có thật hoặc chỉ là tin đồn) thì ít mà chết vì sự sợ hãi rồi chen lấn dẫm đạp lên nhau thì nhiều. Cho nên điều quan trọng nhất là Ban tổ chức biết trấn an đám đông. Hãy liên tục đưa ra những thông báo trên hệ thống âm thanh để đính chính sự thật, và kêu gọi họ bình tĩnh nghe theo sự hướng dẫn của lực lượng an ninh.
Chúng ta cần phải hiểu rằng khi con người ta đã rơi vào trạng thái hoảng sợ, họ đột nhiên có một sức mạnh phi thường. Bởi vậy, các biện pháp ngăn chặn, dồn ép đám đông... sẽ hoàn toàn không hiệu quả mà có khi còn gây thêm thương vong. Bởi vậy, bạn đừng nên huy động lực lượng an ninh và người của Ban tổ chức liều mình xông vào đám đông mà nên có những cách kiểm soát đám đông hiệu quả hơn. Lực lượng bảo vệ nên được tập huấn trước để đảm bảo biết cách ngăn chặn và trấn an đám đông một cách an toàn, và chỉ cho đám đông những phương án thoát hiểm đã được Ban tổ chức lưu ý. Nếu không, họ cũng sẽ trở nên bối rối không biết tìm đâu ra lối thoát cho đám đông đang bấn loạn.
Hãy thông báo rộng rãi cho đám người đang tháo chạy một dấu hiệu nào đó để nhận biết hướng thoát hiểm để tránh việc đám đông chạy hỗn loạn về nhiều phía vì không tìm ra lối thoát. Ví dụ đi về phía những cây cột, đi về phía có treo cờ...
Đừng đợi tới khi đã có người bị thương và tử vong mới lo gọi cấp cứu, hãy nhanh chóng huy động lực lượng cấp cứu tới sơ cứu cho các nạn nhân ngay tại hiện trường, vì chần chừ thêm một giây sẽ có thêm nhiều người rơi vào trạng thái nguy kịch.
Trong tổ chức sự kiện, những sự cố không lường trước là chuyện "thường ngày ở huyện". Tuy nhiên, như người ta nói, phòng cháy hơn chữa cháy. Khi rủi ro đã xảy ra rồi thì chúng ta chỉ có thể hạn chế được hậu quả thôi chứ không chặn đứng được hoàn toàn. Tuy nhiên những bất trắc ta có thể lường trước được mà cố tình không dành thời gian để nghĩ đến nó, để tìm giải pháp cho nó thì thật là đáng tiếc vì khi nó đã xảy ra rồi, cái giá ta phải trả đắt sẽ hơn gấp nhiều lần.
Quản lý số lượng người tham gia event, 198, ToChucSuKienVip.com, Bích Vân, tổ chức sự kiện, 22/04/2015 15:23:40
Quản lý số lượng người tham gia event - Hotline in ấn gặp CSKH 0901 189 365 - 0901 188 365 - 0906 819 365 Trực tiếp đặt InKyThuatSo tại: 365 Lê Quang Định, Phường 5, Quận Bình Thạnh, TPHCM | Gửi email đặt nhận báo giá ngay in@inkts.com - innhanh@inkythuatso.com | Blog
Các bài viết liên quan đến Quản lý số lượng người tham gia event , Blog
- 06/04/2016 Cách tổ chức sự kiện vip 3463
- 20/04/2018 Thiết kế video cho màn hình Led sân khấu như thế nào? 1737
- 14/05/2016 10 lý do không thể bỏ qua Chevrolet Cruze khi mua xe ôtô cũ 2668
- 11/07/2014 Cách chọn màu chủ đạo thích hợp cho một sự kiện 1035
- 22/04/2015 Event Planner - con người của chi tiết 384